Đường dẫn truy cập

Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu qua đời ở tuổi 89


Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu.
Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu.

Cựu Tổng bí thư Việt Nam Lê Khả Phiêu vừa qua đời vào ngày 7/8 tại Hà Nội sau một thời gian dài lâm bệnh, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết.

Ông Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Bắt đầu từ vị trí một binh nhì trong tổ chức Việt Minh vào năm 1950, binh nghiệp của ông Lê Khả Phiêu được đánh giá là thăng tiến nhanh, lên đến các vị trí cao nhất trong quân đội Việt Nam những năm sau đó.

Chức vụ cao nhất trong quân đội của ông là chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1991, sau khi trở về từ Campuchia với vai trò Chủ nhiệm Chính trị, Phó tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị quân tình nguyện Việt Nam. Từ quân hàm thiếu tướng vào năm 1984, ông được thăng hàm Trung tướng năm 1988 và trở thành Thượng tướng năm 1992, làm đại biểu Quốc hội khoá IX, X.

Tháng 6/1991, ông được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng. Một năm sau, ông là Bí thư Trung ương Đảng, sau đó trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị vào năm 1994. Đến tháng 12/1997, ông được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1997-4/2001), đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trang tin của chính phủ Việt Nam nói trong lúc loan tin ông Lê Khả Phiêu qua đời.

Một trong những chương trình nghị sự quan trọng được thực hiện trong thời gian ông Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng bí thư là Việt Nam ký kết “Hiệp định thương mại Mỹ - Việt” vào năm 2000, mở ra một bước ngoặt mới trong mối quan hệ giữa hai cựu thù chiến tranh.

Là một lãnh đạo có tiếng “bảo thủ”, một số ý kiến cho rằng việc ông Lê Khả Phiêu lùi bước để đi đến quyết định ký hiệp định với Mỹ là một nỗ lực nhằm cứu vãn nền kinh tế đang ngày càng kiệt quệ của Việt Nam vào thời điểm đó, cũng như dàn xếp mâu thuẫn đã lên đến mức đỉnh điểm giữa hai phe cấp tiến và bảo thủ trong nội bộ Đảng xung quanh việc có nên “mở cửa cho tư bản xâm nhập vào Việt Nam” hay không.

Tờ Japan Times tường thuật rằng khi Tổng thống Bill Clinton, trong chuyến thăm vào tháng 11/2000 trong tư cách của một tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau năm 1975, đã kêu gọi Hà Nội nên cho phép dân chủ và thành phần bất đồng chính kiến tồn tại, ông Lê Khả Phiêu ngay lập tức nói rằng “Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn lối sống và hệ thống chính trị của các quốc gia khác. Đổi lại, chúng tôi yêu cầu các quốc gia khác tôn trọng sự lựa chọn của người dân chúng tôi”.

Tổng bí thư Việt Nam lúc đó khẳng định thêm rằng Việt Nam không có ý định từ bỏ chủ nghĩa xã hội ngay cả trong thời điểm đang chuyển sang mở cửa nền kinh tế với thế giới, và “không tư nhân hóa nền kinh tế” mà chỉ tạo không gian cho nền kinh tế tư nhân hoạt động trong khuôn khổ nền kinh tế đa ngành với định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó khu vực nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ chốt.

Trong mối quan hệ với Trung Quốc, ông Lê Khả Phiêu bị cáo buộc là người có chính sách “thân Trung Quốc”. Thậm chí, tại một vài thời điểm, ông còn bị công luận cáo buộc đã ra chỉ thị “nhượng bộ” trong quá trình đàm phán biên giới trên Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, dẫn đến phía Việt Nam bị thiệt mất Ải Nam Quan, một phần thác Bản Giốc và hàng ngàn cây số vuông trong khu vực.

Tuy nhiên khi trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng, người từng giữ chức Trưởng đoàn đám phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, đã bác thông tin này vì cho rằng “không có căn cứ”, đồng thời nói Việt Nam chỉ có một phần ba thác, “nhưng nhờ thương thuyết cho nên Trung Quốc nhượng bộ, thành ra Việt Nam được nửa thác”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG